Nếu đột ngột mất việc vì Covid-19: Làm sao để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, ngành nào dễ xin việc trong giai đoạn dịch bệnh?

Thảo Nguyên | 19-03-2020 - 14:34 PM

(Tổ Quốc) - Mức trợ cấp thất nghiệp bằng bình quân tiền lương 6 tháng liền kề mà người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp x 60%. Một trong những điểm sáng có thể kể đến hiện nay là nhu cầu nhân lực vận chuyển hàng hóa rất lớn khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng nhanh.

Kinh tế phi chính thức có tỉ lệ mất việc cao

Mới đây, báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô của CTCP Chứng khoán VNDIRECT nhận xét hoạt động kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ phía cung và cầu do dịch Covid-19. Đồng thời, đơn vị này cũng dẫn ra nhiều bằng chứng cho thấy kinh tế đã chịu tác động rõ nét hơn trong tháng 2.

Một báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hơn 1.000 lao động tại 22 tỉnh thành đã bị mất việc. Hàng loạt doanh nghiệp buộc phải giảm giờ làm, giãn việc hoặc cho thôi việc tăng nhanh từ sau tết đến nay khiến người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, gặp nhiều khó khăn nhưng tới nay chưa có con số thống kê cuối cùng về số lao động mất việc, thất nghiệp trên cả nước.

TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn chia sẻ trên báo Tuổi trẻ cho biết khảo sát của cơ quan này cho thấy một số địa phương có tỉ lệ mất việc, thất nghiệp, buộc phải giảm giờ làm hoặc nghỉ không lương cao là Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An, Cần Thơ.

Xét theo khu vực kinh tế thì lao động làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân nhỏ lẻ, kinh tế hộ gia đình hoặc khu vực kinh tế phi chính thức chịu ảnh hưởng nặng nề, có tỉ lệ mất việc cao hơn. Khu vực này đã cho người lao động nghỉ không lương rất nhiều bởi người lao động làm việc trong khu vực này thường không có hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm nên khi dịch bệnh xảy ra rất khó khăn.

Giải quyết trợ cấp thất nghiệp

Trước tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã lên kế hoạch khảo sát đánh giá tác động của dịch bệnh đến đời sống, việc làm của công nhân để báo cáo Chính phủ kịp thời đưa ra giải pháp ứng phó.

Theo đó trách nhiệm của Nhà nước là bảo đảm an sinh xã hội thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm. Trước mắt cần giúp người lao động được hưởng đầy đủ quyền lợi, được hưởng đủ bảo hiểm thất nghiệp. Các trung tâm giới thiệu việc làm công cần hỗ trợ tối đa để người lao động có cơ hội tìm được công việc khác dù chỉ là tạm thời trong bối cảnh dịch bệnh. 

Theo quy định tại Điều 49, 50 Luật việc làm, Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH  ngày 31/7/2015, Điều 16, 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, người lao động vì dịch bệnh mà phải ngừng việc thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Nếu đột ngột mất việc vì Covid-19: Làm sao để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, ngành nào dễ xin việc trong giai đoạn dịch bệnh? - Ảnh 1.

Ông Phạm Anh Thắng- trưởng đại diện văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM trả lời báo Tuổi trẻ cho biết trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước cho người lao động theo quy định pháp luật. Trường hợp này thì mức trợ cấp thôi việc cho người lao động là mỗi năm 1/2 tháng lương đối với người lao động làm việc thường xuyên đủ 12 tháng trở lên.

Trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc theo quy định hiện hành do người sử dụng lao động chi trả. Còn trợ cấp thất nghiệp là trợ cấp được chi trả từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trái pháp luật thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Mức trợ cấp thất nghiệp bằng bình quân tiền lương 6 tháng liền kề mà người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp x 60%. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 3 tháng. Sau đó cứ mỗi 1 năm đóng bảo hiểm thất nghiệp thì được tính thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tổng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 12 tháng. Quy định như vậy nhằm hỗ trợ để người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.

(Xem thêm Hướng dẫn thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại đây)

Đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mới đây Bộ Lao động và thương binh xã hội cũng đã cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có từ 50% lao động nghỉ việc sẽ được dừng đóng bảo hiểm xã hội. Và đến tháng 6/2020 dịch Covid-19 vẫn chưa giảm, doanh nghiệp có thể đề nghị cơ quản bảo hiểm địa phương báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét giải quyết. 

 Chủ động tìm việc tạm thời

Bên cạnh những động thái của Nhà nước để bảo đảm an sinh xã hội thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm, người lao động vẫn phải nỗ lực tìm kiếm công việc mới phù hợp. Một trong những điểm sáng có thể kể đến hiện nay là nhu cầu nhân lực vận chuyển hàng hóa rất lớn khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng nhanh.

Lo lắng vì dịch Covid-19, nhiều người dân đã hạn chế ra đường, đến những nơi đông người, kéo theo việc mua sắm trực tiếp cũng có xu hướng thu hẹp. Thay vào đó, họ tìm đến những cách thức mua sắm phi truyền thống.

Không chỉ với các loại thực phẩm khô hay hàng chế biến sẵn, nhu cầu mua sắm online của người dân tại thời điểm này còn là các loại thực phẩm tươi sống cho bữa ăn hàng ngày.

Bộ Công Thương cho biết, do lo ngại dịch bệnh Covid-19, trong khi doanh thu tại các chợ tại Hà Nội đã giảm 50 - 80% thì ngược lại, doanh thu từ mua sắm online qua các kênh thương mại điện tử của một số doanh nghiệp đã tăng từ 20 - 30% từ đầu mùa dịch đến nay.

Trong khảo sát của Nielsen Việt Nam và Infocus Mekong Mobile Panel, 25% số người được hỏi cho biết đã tăng cường mua sắm online và giảm các hoạt động mua sắm trực tiếp.

Nếu đột ngột mất việc vì Covid-19: Làm sao để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, ngành nào dễ xin việc trong giai đoạn dịch bệnh? - Ảnh 2.

theo Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM