Trải qua không ít khó khăn trong giai đoạn Covid-19 ở TP. HCM năm vừa qua, CMC đã khai trương thành công Trung tâm dữ liệu CMC Data Center Tân Thuận. Đầu tiên xin được hỏi, cảm xúc của ông lúc này ra sao?
Thực sự là hạnh phúc. Tôi cảm thấy may mắn và tự hào khi chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu đã đặt ra bằng rất nhiều nỗ lực kiên cường, đặc biệt là sau thời kỳ khó khăn của dịch bệnh và ở chính nơi khó khăn nhất của Việt Nam trong dịch bệnh – TP.HCM.
Cũng thật may mắn, mặc dù không tránh khỏi khó khăn của đại dịch năm 2021, CMC vẫn có bước phát triển vượt bậc, doanh thu tăng 22%, đạt 6.900 tỷ đồng và lợi nhuận EBITDA tăng trưởng hơn 33%, đạt hơn 700 tỷ đồng. Dự báo năm tài chính 2022 này, CMC có thể tiếp tục có mức tăng trưởng cao trên 25% để hướng tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2025.
Tôi cũng rất biết ơn Đảng bộ, chính quyền TP.HCM đã tạo điều kiện, giúp đỡ chúng tôi để ngay trong dịch bệnh, CMC vẫn triển khai được công tác xây dựng và lắp đặt kịp tiến độ để hôm nay chúng tôi có buổi lễ khai trương này.
Trung tâm dữ liệu CMC Data Center Tân Thuận là dự án trọng điểm của chúng tôi trong chiến lược hoạt động 2020 – 2025. Tinh thần của dự án là đưa dữ liệu Việt về lưu trữ tại Việt Nam.
Việc hoàn thành và đi vào hoạt động của trung tâm này, trước hết sẽ giúp chúng tôi nâng cao năng lực cung cấp các dịch vụ hạ tầng số, chuyển đổi số cho Chính phủ, cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp. Đồng thời sẽ giúp đồng bộ, hoàn thiện hạ tầng số quốc gia, nhằm hướng tới mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và quốc tế.
Vì sao việc đưa dữ liệu Việt về lưu trữ tại Việt Nam lại quan trọng, thưa ông?
Hiện nay, người Việt đang sử dụng rất nhiều nền tảng số của nước ngoài như Microsoft, Google... Khi dùng các nền tảng đó, chúng ta đang ngày đêm cung cấp dữ liệu của chính chúng ta cho những đối tác bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Điều đó không giúp cho việc làm giàu dữ liệu của đất nước. Mong muốn của chúng tôi khi xây dựng trung tâm dữ liệu là làm thế nào để kéo các dữ liệu đó về Việt Nam.
Dữ liệu cũng là một dạng tài nguyên quốc gia, người ta hay ví nó cũng giống như dầu mỏ. Với dầu mỏ, chúng ta phải hút dầu, dẫn dầu về, tích luỹ, chế biến nó thành "xăng" và từ "xăng" là những giá trị cao hơn và những sản phẩm phái sinh khác để chúng ta cung ứng ngược lại cho xã hội. Data Center cũng sẽ gần giống như một "nhà máy chế biến" dữ liệu, biến nó thành sản phẩm hữu ích, phục vụ cho thị trường.
Sự ra đời của Trung tâm Dữ liệu CMC Data Center Tân Thuận, kết hợp cùng 2 trung tâm dữ liệu đã đi vào hoạt động của CMC tác động trực tiếp ra sao đến tầm nhìn chiến lược cũng như tham vọng của Tập đoàn?
Hoạt động của Trung tâm có mối quan hệ mật thiết với 4 khối hoạt động kinh doanh của CMC, góp phần quan trọng trong mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2025 của chúng tôi.
Với khối Công nghệ & Giải pháp, CMC hướng tới việc trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu tại Việt Nam. Với khối Hạ tầng số, chúng tôi hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ hội tụ B2B hàng đầu Việt Nam. Về hoạt động kinh doanh quốc tế, tập đoàn kỳ vọng sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ IT offshore hàng đầu tại châu Á, thậm chí xa hơn nữa. Còn với khối giáo dục và nghiên cứu, chúng tôi định hướng sẽ đưa trường Đại học CMC trở thành trường đại học thông minh, đổi mới sáng tạo, phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu với quy mô cỡ trung từ 20 – 30 nghìn sinh viên.
Lợi ích mà trung tâm này mang lại cho bản thân CMC và các bên liên quan thì sao?
Nếu hình ảnh hóa theo một cách khác, trong hệ sinh thái Khối hạ tầng số chuẩn mực, coi mạng lưới hạ tầng viễn thông thông suốt là mạch máu thì trung tâm dữ liệu chính là trái tim đưa nguồn sống đi khắp cơ thể. CMC Data Center Tân Thuận trực tiếp tăng cường không chỉ về số lượng và chất lượng của các "xa lộ dữ liệu", mà với những tiêu chuẩn quốc tế đã được chứng nhận, còn giúp gia tăng tính bảo mật, đảm bảo an toàn cho việc tiếp nhận, trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu với lưu lượng khổng lồ.
Theo đó, các khách hàng, đối tác, nhà đầu tư của chúng tôi đều sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển vượt bậc về năng lực cung cấp dịch vụ hạ tầng số, chuyển đổi số của tập đoàn và các công ty thành viên. Tới đây, chúng tôi sẽ cho ra mắt hệ sinh thái C.OPE2N 2.0 hoàn thiện hơn, với mục tiêu cung cấp giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số toàn diện hơn nữa cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nói thêm về C.OPE2N, đây là hệ sinh thái mở cho tổ chức doanh nghiệp của CMC, ra mắt từ năm 2019. Đây là một hệ thống kiến trúc mở, tích hợp tất cả thế mạnh công nghệ của CMC như nền tảng Multi Cloud, nền tảng dữ liệu, AI và nền tảng ứng dụng.
Với C.OPE2N, doanh nghiệp có thể chọn các dịch vụ hạ tầng, triển khai, ứng dụng và tích hợp tốt nhất từ các nhà cung cấp, CMC sẽ giúp quản trị, tối ưu và mở rộng phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Nền tảng của trải nghiệm số và tự động hoá: "1click", "5 phút để chuyển đổi số", "SLA"… là các tiêu chí cung cấp dịch vụ trên C.OPE2N. Tất cả các trải nghiệm của khách hàng đều được phân tích, được thiết kế tối ưu để đảm bảo chất lượng và đáp ứng sự hài lòng của khách hàng một cách khắt khe nhất! Mục tiêu của chúng tôi là đưa C.OPE2N trở thành nền tảng chuyển đổi số hàng đầu phục vụ cho hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Trong bài phát biểu khai trương, ông có nhắc đến việc đưa Việt Nam trở thành Trung tâm dữ liệu khu vực - Digital Hub của châu Á Thái Bình Dương. Mục tiêu này có ý nghĩa như thế nào?
Digital Hub – Trung tâm số, là mục tiêu được đặt ra trong Dự thảo quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu được Bộ TT&TT xây dựng.
Dự thảo nêu rõ: sẽ hình thành và phát triển hệ sinh thái công nghệ, đưa Việt Nam trở thành trung tâm số, nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới với yêu cầu phát triển đến năm 2025 hình thành tối thiểu một trung tâm dữ liệu phục vụ mục tiêu trung tâm cho khu vực và quốc tế; đến năm 2030, hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái công nghệ của Digital Hub.
Sau khi đánh giá các yếu tố như vị trí địa lý thuận lợi, chính sách mở và nhất quán, hạ tầng kết nối đa dạng, Data Center trung lập quy mô lớn, thu hút được sự tham gia và hiện diện của các hãng công nghệ thông tin hàng đầu... các chuyên gia quốc tế cũng như CMC đều tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ các điều kiện để trở thành trung tâm số tiếp theo của khu vực.
Việc Việt nam trở thành Digital Hub, ngoài yếu tố kỹ thuật như Data Center, chúng ta còn cần yếu tố nào khác?
Muốn trở thành một trung tâm cung cấp dịch vụ dữ liệu cho toàn cầu thì có hai điều kiện quan trọng: một là hạ tầng kỹ thuật và hai là nhân lực. Việt Nam rất may mắn là một trong những quốc gia ở Đông Nam Á là "cường quốc" về dân số, chỉ kém Indonesia, thứ hai là chúng ta có năng lực dân số trẻ, yêu thích toán học và đó chính là cơ sở để chúng ta phát triển nguồn nhân lực số rất tốt và có tính cạnh tranh.
Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam ngày càng nổi lên trở thành một trung tâm cung cấp nguồn nhân lực số cho khu vực và toàn cầu. Điển hình là rất nhiều công ty đa quốc gia đã đưa các trung tâm dịch vụ như vậy về Việt Nam như Samsung R&D đã mở một trung tâm rất lớn ở Hà Nội.
Tại TP. HCM, chúng tôi cũng đang cung cấp các dịch vụ về nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trung tâm R&D của các tập đoàn đa quốc gia. Có thể nói, từng bước, Việt Nam đang trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ dữ liệu của khu vực.
Định hướng đầu tư vào giáo dục của CMC cũng chính là một phần trong mục tiêu đó. Việc xây dựng năng lực cạnh tranh từ các công dân số, từ những con người có thể cung cấp các dịch vụ số là việc cực kỳ quan trọng. Nếu chúng ta coi đó là một thế mạnh cạnh tranh quốc gia thì chiến lược đó phải được quan tâm và xây dựng.
Theo đó, ngày 26/7/2022 trường Đại học CMC đã ra đời, với triết lý Khai phóng, sáng tạo, khác biệt, có mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đi đầu trong một số lĩnh vực khoa học công nghệ thế giới vào năm 2043 khi CMC kỷ niệm 50 thành lập.
Đó cũng chính là một trong những chiến lược rất quan trọng để giúp chúng tôi đạt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2022. Bởi chúng tôi lúc đó cần từ 10 – 15.000 kỹ sư về công nghệ thông tin và bản thân thị trường công nghệ thông tin cũng cần phải có thêm hàng triệu lập trình viên mới. Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc cần phải gắn trách nhiệm và sứ mệnh của mình trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Ông nghĩ thế nào về vai trò của các doanh nghiệp tư nhân như CMC trong khía cạnh quan trọng như kiến tạo hạ tầng số cho sự phát triển của đất nước?
Giờ đây, kinh tế tư nhân đã trở thành một lực lượng quan trọng của nền kinh tế và những đóng góp của kinh tế tư nhân có thể nhìn thấy trong hầu hết tất cả các lĩnh vực khác nhau. Mọi người có thể nghe nhiều về bất động sản và nghĩ rằng chỉ bất động sản mới có vai trò của tư nhân, nhưng tôi nghĩ là trong công nghiệp, trong công nghệ, đặc biệt nếu kể đến cả FDI thì lực lượng ngoài quốc doanh đóng góp cho nền kinh tế của chúng ta có thể nói là rất rất lớn và trong mọi lĩnh vực.
Với CMC cũng không ngoại lệ, chúng tôi muốn trở thành người kiến tạo trong lĩnh vực hạ tầng số. Người kiến tạo trước hết phải là người đi tiên phong đề ra một ý tưởng, thứ hai là phải tiên phong thực hiện sứ mệnh đó.
Chúng tôi tự hào là công ty tiên phong trong chuyển đổi số, xây dựng nền tảng số, xây dựng giải pháp an ninh bảo mật cho không chỉ Việt Nam mà còn cho các khách hàng trên toàn cầu nằm trong top 500 thế giới với khách hàng điển hình là SAMSUNG. Ngay trong dịch bệnh, CMC vẫn đảm bảo cung cấp hàng ngàn kỹ sư cho trung tâm R&D của SAMSUNG, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm dịch vụ số của SAMSUNG cho toàn cầu.
Còn với CMC Data Center Tân Thuận, thì Data Center không phải là mới ở Việt Nam, nhưng nếu để đưa Việt Nam trở thành Hub, phục vụ cho khu vực thì các tiêu chuẩn phải được đẩy lên tầm cao hơn rất nhiều. Để khai trương Trung tâm dữ liệu CMC Data Center Tân Thuận, với quy mô 1200 rack, đạt tiêu chuẩn Uptime Tier III, TVRA, PCI DSS, chúng tôi phải vượt qua 115 bài test với những quy định khắt khe nhất, tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất của tổ chức đánh giá quốc tế Uptime Institute.
Chúng tôi tự tin khẳng định rằng, đây là trung tâm dữ liệu hiện đại, an toàn hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á, đánh dấu một bước phát triển mới để đưa Việt Nam gần hơn tới mục tiêu trở thành Trung tâm dữ liệu khu vực Digital Hub của châu Á Thái Bình Dương mà chúng ta đã chọn.
Tôi hy vọng sự tiên phong này có thể trở thành cảm hứng để các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu khác nhìn thấy Việt Nam là nơi đủ điều kiện để phát triển, đầu tư.
Mặt khác, liên quan đến việc kiến tạo hạ tầng số, chúng tôi cũng định hướng sẽ là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây. Nền tảng CMC Cloud Make in Vietnam do chính đội ngũ 300 chuyên gia và kỹ sư của chúng tôi nguyên cứu, pháp triển đã cung cấp dịch vụ gần 10 năm qua, đầy đủ tính năng như các hệ thống Cloud toàn quốc tiên tiến nhất.
Nền tảng CMC Cloud hiện chiếm khoảng 25% thị phần Cloud do các nhà cung cấp dịch vụ trong nước tạo ra, đạt tiêu chuẩn PCI DSS dành cho các tổ chức tài chính, ngân hàng, và đặc biệt là toàn bộ nền tảng PC-Covid đang được chạy trên nền tảng CMC Cloud, đã phục vụ hàng triệu lượt truy cập, xử lý dữ liệu trong giai đoạn đỉnh dịch tại TP. HCM nói riêng và toàn quốc nói chung.
Trong năm 2022, CMC Cloud đã đầu tư nguồn lực nghiên cứu phát triển để xây dựng một hệ sinh thái điện toán đám mây CMC Cloud thế hệ thứ 2 (CMC Cloud 2.0) với nhiều tính năng mới rất mạnh mẽ như K8S, DBaaS, Autoscaling, Container Registry, tích hợp Data & A.I, tích hợp các tính năng bảo mật của các hãng như Checkpoint, PaloAlto, Fortinet...
Trong một bài phỏng vấn trước đây, ông từng chia sẻ rằng, thời điểm ông có cơ hội tạo ra những chiếc máy tính Made in Vietnam, thì chưa có thuận lợi từ chính sách hỗ trợ ở thời điểm đó. Vậy ở thời điểm hiện tại, những sáng kiến, kiến nghị của một doanh nghiệp tư nhân như CMC đã được lắng nghe ghi nhận ra sao?
Thực sự là khác nhau rất xa. 30 năm trước đây, Việt Nam mới bắt đầu bước vào thời kỳ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nên thời điểm đó, kinh tế tư nhân còn rất mới. Những sáng kiến chiến lược thời kỳ đó không phải dễ thực hiện, không chỉ về mặt thể chế mà còn cả về mặt xã hội và kinh tế, vì những hoạt động đó đều đỏi hỏi yếu tố đầu tư.
Nhưng giờ đây, ví dụ như khi chúng tôi tham gia vào Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số, cá nhân tôi và các thành viên khác cũng thường đưa ra các sáng kiến, thì đều đã được Chính phủ lắng nghe, xem xét và thậm chí sau này đã trở thành những chương trình quốc gia.
Từ những yêu cầu thực tiễn của cuộc sống, của người dân và những đề xuất của chuyên gia… Chính phủ đều lắng nghe, có những thay đổi cần thiết và chỉ đạo hết sức kịp thời để thích ứng với sự phát triển của xã hội và đặc biệt là xã hội số.
Trong bài phát biểu tại lễ khai trương, ông có đề cập tới khái niệm Khát vọng số. Khát vọng số là gì và Khát vọng số thể hiện ở CMC như thế nào?
Khát vọng số là một phần trong khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường thịnh vượng vào năm 2045, khi chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày lập quốc.
Với CMC, mục tiêu cụ thể của Khát vọng số là đưa Việt Nam trở thành trung tâm dịch vụ số Digital Hub của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đó là sự tin tưởng tuyệt đối và sự mong chờ ở mức cao nhất vào con người Việt Nam, vào trí tuệ Việt Nam, vào công nghệ Việt Nam. Khát vọng số đó được lan tỏa trong mọi hoạt động của CMC và được hơn 5.000 con người CMC thấm nhuần.
Ngay từ năm 2017, CMC đã đưa ra tầm nhìn khát khao chinh phục thế giới số - Aspire to inpire the Digital World khi định vị chiến lược mới. Cách đây 3 năm vào năm 2019, CMC đã hoàn thiện Đề xuất về một khát vọng xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm số thế giới - Digital Hub.
Đến nay, CMC tập trung vào 3 đột phá chiến lược: xây dựng chuyển đổi số, nền tảng số đẳng cấp thế giới - World Class; tạo ra thị trường dịch vụ số rộng lớn không chỉ tại Việt Nam mà còn là toàn cầu; tạo ra môi trường không gian để là nơi hội tụ tinh hoa nhân lực số toàn cầu về Việt Nam xây dựng đất nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với những mục tiêu chiến lược mà Bộ Thông tin & Truyền thông đã đề ra, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ số.
Chúng tôi tin tưởng rằng nếu mỗi chúng ta với gần 100 triệu con người Việt Nam đều có những khát vọng lớn đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước, như Khát vọng số của CMC, thì mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường - thịnh vượng sẽ không còn xa, có thể sẽ đến trước năm 2045.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!