Hoàng tử William và câu chuyện giơ "ngón giữa": Chỉ nhìn vấn đề từ 1 phía là điều nguy hiểm nhất!

Phương Thúy | 19-06-2020 - 06:18 AM

(Tổ Quốc) - Người ta thường nói, "tai nghe mắt thấy mới là thật". Nhưng đôi khi, tai nghe mắt thấy chỉ là một phần của sự thật chứ không phải bản chất sự thật. Hình ảnh của Hoàng tử William chính là minh chứng rõ ràng nhất.

Bạn đúng không có nghĩa là tôi sai. Chỉ là bạn chưa nhìn cuộc sống từ vị trí của tôi mà thôi.

01.

Cách đây một thời gian, người ta từng bức xúc khi trông thấy bức ảnh có phần “khiếm nhã” của Hoàng tử William nước Anh trên mạng xã hội. Người xem nhìn vào đó đều bật thốt lên rằng, tại sao một hoàng tử lại có thể hành động như vậy?

Hoàng tử William và câu chuyện giơ ngón giữa: Chỉ nhìn vấn đề từ 1 phía là điều nguy hiểm nhất! - Ảnh 1.

Trong bức hình đó, vị hoàng tử lịch lãm của vương quốc sương mù quay nghiêng người, giơ ngón tay giữa, thể hiện hành động thô lỗ trước máy ảnh. Một làn sóng giận dữ, chỉ trích và dèm pha rất lớn hướng tới Công tước xứ Wales này. Nhiều người cho rằng bức ảnh đã làm xấu đi hình tượng của Hoàng gia Anh, yêu cầu hoàng tử William phải xin lỗi công khai cho lối ứng xử trước công chúng của mình.

Tuy nhiên, sau đó, một phiên bản khác của bức ảnh xuất hiện:

Hoàng tử William và câu chuyện giơ ngón giữa: Chỉ nhìn vấn đề từ 1 phía là điều nguy hiểm nhất! - Ảnh 2.

Như cách mà mọi người thấy, trong hình ảnh, Hoàng tử William đang giơ 3 ngón tay khi đứng trước thềm bệnh viện St. Mary, London. Được biết, trong cùng ngày chụp bức ảnh đó, con trai thứ ba của Hoàng tử và Công nương Kate đã ra đời một cách khỏe mạnh. 

Lý giải vì sao anh lại giơ 3 ngón tay trước báo chí truyền thông, Hoàng tử đã đùa rằng: “Giờ có những ba mối lo”, thể hiện trách nhiệm của một người cha với ba thiên thần nhỏ.

Qua tình huống này, người ta thấy được rằng, đưa ra nhận xét tổng quan sau khi bạn chỉ nhìn sự việc từ một góc độ duy nhất là vô cùng nguy hiểm. Để thấy toàn bộ bức tranh lớn, bắt buộc bạn phải có được cái nhìn đa chiều từ xa.  

Người xưa bảo rằng, “Tai nghe mắt thấy mới là thật”. Tuy nhiên, đôi khi đôi mắt cũng có thể đánh lừa mọi người. Những gì ta thấy có thể chỉ là một phần của sự thật. Mà một phần sự thật, dù là 1% hay 99%, thì đều không phải sự thật. Do đó, đừng vội phán xét bất cứ điều gì quá chủ quan.

Khổng Tử cũng từng kể câu chuyện rằng, trong một lần chu du khắp nơi, ông bị mắc kẹt giữa vùng biên giới hai quốc gia, khan hiếm lương thực thực phẩm suốt 7 ngày liền.

Ban ngày, trong lúc Khổng Tử nghỉ cho đỡ mất sức, một đệ tử của ông đã tìm đường ra ngoài xin cơm. Vất vả ngược xuôi cả buổi trời, cậu xin được một ít gạo về nấu lên. 

Khi cơm gần chín, Khổng Tử ngửi thấy mùi thơm thì tỉnh lại, nhưng điều đầu tiên ông thấy là cảnh đệ tử đang lén lút ăn vụng ngay từ trong nồi. 

Ông vẫn điềm nhiên như không ngồi dậy, sau đó nói với đệ tử rằng:

“Ta vừa mơ thấy cha mình trở về. Nếu nồi cơm này chưa dùng tới, trước tiên cứ lấy ra để ta cung phụng tổ tiên trước, sau đó hãy ăn.”

Đệ tử vội xua tay và nói: “Đừng ạ thưa thầy, nồi cơm này không sạch đâu. Nãy tro bếp bay vào nồi nhiều quá, bẩn mất một phần, nhưng bỏ đi thì lại thấy phí nên con đã ăn rồi ạ. Chỗ này trắng hơn, con để dành thầy ăn.”

Lúc đó, Khổng Tử mới biết rằng, cậu học trò không cố tình ăn vụng, chỉ muốn dành phần ngon và sạch nhất lại cho mình. 

Ông bèn nhắn nhủ: “Người ta nói rằng, mắt thấy là thật, nhưng mắt thấy cũng không nhất định là thật. Người ta cũng nói, nghe theo nội tâm, nhưng nội tâm thường xuyên cũng lừa gạt chính mình.”

Quả thật là vậy, đôi khi, những gì bạn nhìn thấy không phải là toàn bộ sự thật, những gì bạn biết chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Vì thế, trước khi hiểu thấu đáo mọi sự, đừng vội đưa ra kết luận phán xét điều gì.

Hoàng tử William và câu chuyện giơ ngón giữa: Chỉ nhìn vấn đề từ 1 phía là điều nguy hiểm nhất! - Ảnh 3.

02.

Có câu chuyện kể rằng:

Bò cày ruộng trở về, mệt quá bèn than thở: “Thực sự mệt quá rồi! Ngày mai tôi không muốn ra đồng nữa, ở nhà nghỉ cho lại sức”. 

Chó nghe tiếng gần đó, bèn chạy đi đưa chuyện với Mèo đang nằm vắt vẻo trên bờ tường: “Anh Bò than mệt, còn nói muốn nghỉ làm một ngày. Kể ra cũng tội, chủ nhân đúng là đã bắt anh ấy làm việc nhiều quá rồi!”. 

Mèo quay đi kể cho Dê đang ăn cỏ cách đó không xa rằng: “Anh biết gì chưa, anh Bò trách chủ nhân bóc lột quá nên muốn nghỉ một ngày đấy! Anh ấy đình công rồi!”

Dê trên đường Gà cũng kể: “Anh Bò đình công đấy. Ai bảo ông chủ đối xử tệ quá. Chắc anh ý sắp nghỉ làm ở đây rồi.”

Gà chạy về nhà, bắt gặp bà chủ bèn mách: “Dạo gần đây, Bò không muốn làm cho chủ nhân nữa, chê công việc ở đây nhiều quá nên muốn tìm một chủ nhân khác nữa đấy”. 

Ông bà chủ lập tức giận dữ: “Bò đang muốn tạo phản để đổi chủ, phải giết không tha!”

Cuối cùng, chú bò chăm chỉ, làm việc quần quật mỗi ngày đã bị hại chết chỉ bởi những lời truyền miệng thích “thêm mắm dặm muối”. 

Lời nói tưởng chừng là đơn giản, có thể tích thiện, nhưng cũng có thể trở thành vũ khí cho cái ác. Các cụ ta xưa nay đã dạy "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" chính là lời nhắc nhở để chúng ta cẩn trọng trong ngôn hành và ứng xử.

Hoàng tử William và câu chuyện giơ ngón giữa: Chỉ nhìn vấn đề từ 1 phía là điều nguy hiểm nhất! - Ảnh 4.

03. 

Nữ văn sĩ nổi tiếng Virginia Woolf đã từng viết trong cuốn "To the lighthouse" (tạm dịch: "Gửi ngọn hải đăng") của mình rằng:

“50% những quan điểm, cái nhìn chủ quan của một người dành cho một người khác đều xuất phát từ động cơ cá nhân của chính họ, chẳng có bằng cứ cụ thể nào cả.”

Khi bạn áp đặt lý giải của mình vào cuộc sống của người khác một cách tùy tiện, hành xử của bạn đã trở nên vô cùng ác ý. 

Tựa như khi nhìn thấy một đoạn clip người giàu có chăm sóc cho cún cưng của mình rất đầy đủ, thậm chí còn đưa đi ăn nhà hàng, không ít người trào phúng: “Có tiền đúng là dở hơi, đồ ăn dành cho người thì đem cho chó ăn. Đến con chó còn được hầu hạ cao quý như thế đấy.”

Cái họ nhìn thấy là hiện tượng hiển hiện trước mặt nhưng họ không nhìn thấy bản chất đằng sau đó, chú chó này đã giúp chủ thoát khỏi bệnh trầm cảm nặng. Ở thời điểm khó khăn nhất, nó trở thành bạn bè, thậm chí là người thân duy nhất luôn sát cánh kề vai. Như vậy, dù người chủ đối xử tốt với nó cỡ nào đi nữa thì sao?

Có không ít người đã quen phỏng đoán tâm lý người khác theo hướng tiêu cực, sau đó, họ không ngần ngại phán xét dựa trên thành kiến cá nhân. Họ càng không quan tâm rằng, sự ác ý đó có tạo thành vết thương cho người khác hay không.