Hậu Covid – 19, doanh nghiệp rục rịch điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2020

Việt Dũng | 13-05-2020 - 08:51 AM

(Tổ Quốc) - Do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, các doanh nghiệp rục rịch điều chỉnh theo xu hướng giảm các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020.

Dưới tác động của dịch Covid-19 khiến hàng loạt kế hoạch kinh doanh đã bị đảo lộn so với trước đó, những chỉ tiêu kinh doanh 2020 đã được nhiều doanh nghiệp công bố trước đó giờ buộc phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Đầu tiên phải kể đến ông lớn trong lĩnh vực bất động sản Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) với chỉ tiêu ban đầu được đưa ra trong báo cáo thường niên 2019 là doanh thu 20.200 tỷ đồng, lợi nhuận 720 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng trực tiếp tới tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam từ đầu năm đến nay, mức độ ảnh hưởng, hệ lụy di chứng chắc chắn còn kéo dài. Trước tình hình này, HĐQT Tập đoàn Hòa Bình tạm thời đề ra kế hoạch 2020 với chỉ tiêu doanh thu 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng với mục tiêu bảo toàn các nguồn lực khi vượt qua khủng hoảng Covid-19. Kế hoạch này tương đương giảm lần lượt 31% và 72% so với con số mục tiêu ban đầu.

Trong lĩnh vực ngân hàng Eximbank (EIB) thông báo điều chỉnh loạt chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 do ảnh hưởng không mong muốn từ dịch Covid-19. Eximbank đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí hoạt động 326 tỷ (giảm hơn 11% so với kế hoạch ban đầu năm 2020), huy động vốn đạt 147.800 tỉ đồng (giảm 8% so với kế hoạch 2020) và dư nợ cấp tín dụng đạt 122.275 tỉ đồng (giảm 4% so với kế hoạch năm 2020). Đặc biệt, theo kế hoạch điều chỉnh, chi phí dự phòng đã trích của Eximbank chủ động tăng 414 tỉ đồng so với kế hoạch 2020. Với các nội dung điều chỉnh như trên, kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Eximbank giảm 10,3%. Bên cạnh đó, kế hoạch xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng có nợ xấu, nợ VAMC theo kế hoạch đầu năm buộc phải giãn tiến độ sang năm tiếp theo, khiến tổng kế hoạch lợi nhuận Eximbank trước thuế là 1.318 tỉ đồng, giảm mạnh 40% so với kế hoạch đầu năm 2020.

Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, nội thất Savimex (SAV) cũng thông báo căn cứ vào tình hình dịch bệnh Covid-19, HĐQT của SAV đã thống nhất điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu về còn 777 tỷ đồng, giảm hơn 15%. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế giảm xuống còn 25 tỷ đồng, giảm hơn 17% so với kế hoạch ban đầu. Trong quý 1/2020, SAV vẫn ghi nhận tăng trưởng trong kết quả kinh doanh. Doanh thu của Công ty đạt hơn 219 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Lãi trước thuế đạt hơn 7 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ.

Mục tiêu kinh doanh của Bóng đèn Điện Quang (DQC) cũng rất đáng chú ý khi trước đó trong báo cáo thường niên 2019, DQC đặt mục tiêu kinh doanh năm 2020 với doanh thu 900 tỷ đồng và LNTT đạt 40 tỷ đồng lần lượt tăng 9% và 8% so với thực hiện 2019, tuy nhiên tại ĐHĐCĐ vừa mới được tổ chức sau khi đánh giá dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp DQC chia kế hoạch kinh doanh 2020 thành 2 kịch bản. Kịch bản 1: Dịch Covid-19 được kiểm soát và Công ty hoạt động bình thường trở lại vào quý 3, DQC đặt kế hoạch doanh thu 610 tỷ - giảm 26% và lợi nhuận trước thuế 1,86 tỷ - giảm mạnh đến 95% so với thực hiện năm 2019. Kịch bản 2: Dịch Covid-19 kéo dài và ảnh hưởng quá độ đến quý 3, Công ty hoạt động bình thường trở lại vào quý 4, doanh thu dự giảm 35% về 543 tỷ, lỗ trước thuế 9,6 tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 Vicostone (VCS) mới đây cũng đã bổ sung thêm kịch bản chỉ tăng trưởng nhẹ thay vì tăng trưởng 2 con số như kế hoạch ban đầu. VCS cho rằng tại thời điểm thông qua chỉ tiêu doanh thu đạt 6.654 tỷ đồng và LNTT đạt 1.980 tỷ đồng - cùng tăng trưởng gần 20% so với thực hiện 2019 thì dịch Covid – 19 chưa có những diễn biến phức tạp và chưa cho thấy rõ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình kinh tế và xã hội như hiện tại. Theo đó sau khi đánh giá tác động của dịch Covid – 19 tới nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, HĐQT đã họp và bổ sung thêm kịch bản thận trọng với doanh thu đạt 5.632 tỷ đồng và LNTT đạt 1.669 tỷ đồng chỉ tăng nhẹ so với thực hiện 2019 và con số này giảm lần lượt 15% và 15,7% so với mục tiêu lạc quan được thông qua vào cuối năm 2019.

Quốc tế Hoàng Gia (RIC) – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, biệt thự và câu lạc bộ, đã quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu đều giảm mạnh. Theo đó, kế hoạch đề ra trong Nghị quyết HĐQT hồi tháng 12/2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu là 14,336 triệu USD và lợi nhuận là 815.000 USD. Nhưng trong nghị quyết tháng 3/2020, chỉ tiêu doanh thu bị điều chỉnh giảm 12%, xuống chỉ còn 12,650 triệu USD và lợi nhuận giảm hơn phân nửa, xuống còn 404.000 USD.

Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (Masco) mới đây cũng đã gửi lại cổ đông tờ trình kế hoạch kinh doanh năm 2020 mới với khoản lợi nhuận kế hoạch âm 11,2 tỷ đồng, bớt lỗ 1,5 tỷ đồng so với con số dự tính trước đó. Trong khi doanh thu dự kiến vẫn duy trì là 134,5 tỷ đồng, Masco giảm bớt chi phí xuống còn gần 145,8 tỷ đồng. Phần cắt giảm chủ yếu là quỹ lương chi cho nhân viên từ 43 tỷ đồng xuống 40,9 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại cặp đôi OCH và OGC lại điều chỉnh tăng mạnh các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2020, trong đó Ocean Hospitality (OCH) đặt mục tiêu doanh thu đạt 997,7 tỷ đồng giảm 24,7% so với kế hoạch năm 2020 hợp nhất đã được duyệt. Tuy nhiên LNTT ước tính sẽ đạt 216,7 tỷ đồng tăng 35,6% so với kế hoạch đã duyệt và LNST đạt 192,7 tỷ đồng cao gấp 6 lần kết quả thực hiện của năm 2019 và tăng 67,8% so với kế hoạch cũ. Đáng chú ý ngay khi kết thúc quý 1 nhờ ghi nhận doanh thu từ hoạt động thoái vốn nên OCH lãi ròng lên tới 216,6 tỷ đồng và chính thức vượt 13% kế hoạch cả năm 2020 mới được điều chỉnh tăng cao.

Ocean Group (OGC) cũng đã tiến hành điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 trong đó doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn năm 2020 điều chỉnh giảm 281 tỷ đồng so với kế hoạch cũ còn 1.008,6 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế điều chỉnh tăng thêm 64,6 tỷ đồng (tăng 45,51%) so với kế hoạch cũ lên 206,55 tỷ đồng. Cũng giống OCH, OGC cũng đã có quý 1 kinh doanh rất thành công với lãi ròng đạt gần 220 tỷ đồng cao gấp hơn 34 lần cùng kỳ trong đó LNST thuộc về công ty mẹ là 134 tỷ đồng, theo đó OCG cũng đã vượt chỉ tiêu lãi điều chỉnh.

Trước những diễn biến khó đoán định của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp dù đã đặt kế hoạch lợi nhuận giảm, nhưng vẫn đang trong tâm thế sẵn sàng tiếp tục điều chỉnh giảm thêm các chỉ tiêu trong trường hợp điều kiện kinh doanh tiếp tục bất lợi.

Điển hình như Sonadezi Châu Đức (SZC) tại đại hội cổ đông đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2020 là 371,5 tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế là 115 tỷ đồng, giảm 14%. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, HĐQT Sonadezi Châu Đức cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình thu hút đầu tư của Công ty, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận có thể không đạt được như kỳ vọng. Theo đó HĐQT được ủy quyền thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm 2020 dựa trên tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm nhưng không giảm quá 30% doanh thu, lợi nhuận nêu trên.

Tiếp đó là Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố doanh thu tháng 04/2020 của toàn tập đoàn giảm khoảng 20% so với mức hơn 9.000 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2019. Theo đó lãnh đạo công ty cho biết MWG sẽ điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh 2020. Công ty sẽ đi theo hướng nỗ lực bảo vệ doanh thu và đặt mục tiêu lợi nhuận chỉ giảm tối đa 20% so với năm 2019. Trước đó MWG đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 gồm doanh thu thuần 122.554 tỷ đồng và lãi sau thuế 4.835 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2019, mục tiêu năm 2020 ghi nhận mức tăng lần lượt 13% và 34,4%.

BIDV (BID) trước đó đã được cổ đông thông qua kế hoạch lãi trước thuế 12.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước trong điều kiện dịch Covid-19 sớm được kiểm soát. Tăng trưởng tín dụng dự kiến theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước (NHNN giao 9%), huy động vốn mục tiêu tăng 9%. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà băng này cho biết kế hoạch sẽ được điều chỉnh nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát.

Một ngân hàng khác là Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dự kiến tiết giảm chi phí kinh doanh và chi phí hoạt động, điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh hạ lợi nhuận năm 2020 với mức giảm tối thiểu 1.000 tỷ đồng. Đồng thời các cấp lãnh đạo HĐQT, Ban Điều hành và cán bộ quản lý cấp cao của ngân hàng đã tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch, các cấp quản lý toàn hệ thống từ cấp Phó phòng trở lên (và các chức danh tương đương) giảm 10-30% tùy theo mức thu nhập.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM