Đôi bàn tay "phù thủy" biến cây tre thành lồng chim có giá hàng trăm triệu đồng

Phùng Hà | 14-10-2022 - 15:46 PM

(Tổ Quốc) - Với đôi tay tài hoa và khéo léo, người đàn ông sinh ra từ làng quê đã biến hoá những cây tre trở thành những chiếc lồng chim được ví như một tác phẩm nghệ thuật chạm khắc tinh xảo.

"Thổi hồn" vào tre thành lồng chim tinh xảo

Nghệ nhân Đoàn Minh Căn (56 tuổi, thôn Dương Nổ Đông, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đã "khai sinh" thêm nghề mới cho làng mình: Chạm khắc tre thành lồng chim. Năm 1982, ông Căn theo đuổi niềm đam mê điêu khắc. Lúc đầu, ông xin vào học và làm việc tại một xưởng mộc mỹ nghệ nổi tiếng lúc bấy giờ tại Huế do nghệ nhân Lê Đăng Duân làm chủ.

Sau đó, ông tìm đến nghệ nhân Phan Thế Huề, là một trong những người thợ từng tham gia chạm khắc nhiều công trình nổi tiếng để học hỏi thêm kinh nghiệm. Sau khi đã vững tay nghề, ông quyết định mở cơ sở điêu khắc gỗ gia dụng tại nhà.

Tuy nhiên xưởng chế tác gỗ của ông đành phải tạm dừng sau một thời gian hoạt động. "Hơn 30 năm trước, nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng, gỗ khan hiếm hơn, giá lại cao khiến công việc điêu khắc gặp nhiều khó khăn", ông Căn kể lại.

Lúc này ông trăn trở tìm hướng đi mới phù hợp để làm sao vừa có kinh tế lại có thể sống với đam mê của mình.

Một dịp vào thăm người thân ở TP. Hồ Chí Minh, tình cờ thấy nhiều người nuôi chim quý bằng những chiếc lồng tre khá sơ sài nên ông đã nảy ra suy nghĩ sẽ làm ra những chiếc lồng "lộng lẫy" để xứng với những con chim quý.

Có ý tưởng mới lại sẵn tài hoa, ông bắt đầu dùng tre để tạo ra những chiếc lồng chim sang trọng. Ban đầu, khi chạm khắc trên các nan tre, ông gặp nhiều khó khăn vì đặc tính của tre khác gỗ rất nhiều, gỗ thì có thể đục được cả chiều ngang lẫn dọc, trong khi tre chỉ có thể đi chiều dọc, lệch hay mạnh tay một tí là hỏng liền.

"Tre có tính giòn, dễ vỡ nên khi chạm khắc đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ, chỉ cần đục lệch hoặc dùng lực mạnh một chút thì tre sẽ vỡ làm đôi. Riêng những phần có độ cong sẽ dùng lửa để uốn với nhiệt độ vừa phải".

Những mũi khoan, đục, kẹp, cưa… tất cả đồ nghề chạm khắc gỗ không thể áp dụng lên tre. Vì thế ông phải tự tìm tòi rồi tạo ra bộ đồ nghề mới thích hợp với đặc tính của tre. Nhiều lần thất bại, ông không nản chí mà tiếp tục làm việc.

Ngày đêm "ăn ngủ" cùng tre đã giúp ông Căn phát hiện nhiều đặc điểm riêng biệt của tre rồi dần dần uốn nắn những mũi đục, khoan sao cho mềm mại, chi tiết, rồi từ đó "chinh phục" được những cây tre "khó tính".

Ông Căn cũng cho biết, không phải cây tre nào cũng có thể chế tác thành lồng chim, bản thân ông phải thử nghiệm nhiều loại tre khác nhau mới phát hiện ra tre rừng mới đáp ứng đủ điều kiện. Bởi vì tre rừng sẽ có độ già và thân to sẽ cho ra những nan tre phù hợp.

Để có nguyên liệu sản xuất, ông Căn phải lặn lội lên vùng núi Nam Đông, A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế để chọn được những cây tre già ưng ý. "Những cây tre ở các vùng quê không đủ già nên thân tre cũng nhỏ và mỏng. Vì thế phải tìm tre già ở rừng vì đất ở nơi này sẽ nuôi những cây tre to lớn, có độ dày thích hợp".

Người tạo ra một nghề thủ công mới

Ban đầu, những chiếc lồng tre chạm khắc của ông Căn chỉ tạo ra tiếng vang trong phạm vi thành phố. Năm 2009, tại Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ở Huế, tác phẩm lồng chim bằng tre có tên "Thập nhị hoa giáp quần tiên" được chế tác hết sức công phu khiến nhiều kinh ngạc. Chiếc lồng chim tinh xảo này đã mang về cho ông Căn giải nhất hội thi hàng thủ công Việt Nam.

Ngay sau khi cuộc thi kết thúc, một người ở TP.HCM đã mua chiếc lồng đặc biệt này. Từ đó tên tuổi của ông đã vang xa và được nhiều người trong giới biết đến. Chưa dừng lại ở đó, những chiếc lồng chim từ tre của ông đã "bay" sang tận nước ngoài.

"Kể từ sau cuộc thi năm 2009, một người chơi chim quý có tiếng bên Thái Lan biết đến, họ tìm đến tận nhà, đặt tôi làm một chiếc lồng chim giống y hệt chiếc lồng Thập nhị hoa giáp quần tiên".

Tuy nhiên, ông Căn cho biết mỗi chiếc lồng sẽ là độc bản, không chiếc nào giống chiếc nào. Người đàn ông Thái Lan đã chấp nhận để ông sáng tạo một tác phẩm mới cũng độc đáo không kém và thời điểm đó giá của chiếc lồng đặt riêng được bán 10.000 USD.

Sản phẩm đặc trưng của cơ sở tre mỹ nghệ của ông Căn là lồng chim cảnh, với đủ các loại lồng chim từ đơn giản đến các mặt hàng cao cấp như lồng vuông, lồng tròn, lồng lục giác...

Mỗi chiếc lồng chim cơ bản để hoàn thành phải mất 2 - 3 tháng, chiếc nào công phu hơn thì phải mất hơn một năm mới xong. Giá mỗi chiếc lồng dao động từ 5 triệu cho đến vài trăm triệu tùy thuộc vào yêu cầu. "Cứ chiếc lồng nào được hoàn thành là được đóng gói xuất đi", Ông Căn vui vẻ nói.

Ông Căn chia sẻ, giá trị của mỗi chiếc lồng nằm ở chỗ họa tiết, hoa văn tinh xảo, bắt mắt, mỗi chiếc lồng chim đều được lồng ghép những hoa văn mang hơi thở của dân tộc. Cũng vì thế mà lồng chim của ông được ví von như những bức tranh quê hương sống động.

Ông đem tình yêu Huế, tình yêu non nước Việt Nam biến những di tích lịch sử như Đại Nội, Kinh thành Huế, sông Hương, núi Ngự, chi tiết rồng phượng bay lượn …. đưa vào lồng chim.

Từ những gốc tre bình thường qua bàn tay tài hoa đã biến thành những lồng chim đẹp mắt được bán với giá hàng trăm triệu và xuất bán sang nhiều nước: Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Mỹ...

Trong hơn 35 năm, ông Căn cũng đào tạo hàng trăm học trò lành nghề. Nghệ nhân Đoàn Minh Căn được xem như là người đã tạo ra một nghề mới là nghề chạm khắc tre.