Đang mùa tuyển sinh, mẹ Hà Nội chia sẻ bí quyết để con học trường công vẫn năng động giỏi giang như học trường tư xịn

Hạ Uyên | 08-04-2021 - 11:31 AM

(Tổ Quốc) - Bà mẹ này cho biết không quan trọng con học công hay tư, quan trọng hơn cả là cách bố mẹ định hướng và đồng hành cùng con trong quá trình học tập.

Đang mùa tuyển sinh, rất nhiều bố mẹ lăn tăn chuyện chọn trường cho con. Chọn trường công hay tư, quốc tế hay dân lập, trường công đúng tuyến hay hướng chuyên chọn… chưa bao giờ là lựa chọn dễ dàng.

Bản thân chị N.A có con đang học lớp 3 ở Hà Nội cũng thế, cách đây 3-4 năm, chị thay đổi ý định xoành xoạch, chọn đi chọn lại vẫn chưa yên tâm. Tuy nhiên sau đó chị nhận ra, con có khả năng vào trường tư chất lượng thì quá tốt nhưng nếu học trường công cũng sẽ năng động và giỏi giang nếu bố mẹ có giải pháp bổ túc kiến thức và kỹ năng. Nói cách khác, trường tư có thể thay thế bởi trường công tâm huyết của bố mẹ. 

Kinh nghiệm từ một bà mẹ ở Hà Nội: Con học trường "làng" vẫn năng động giỏi giang như học trường tư "xịn" nếu bố mẹ cập nhật ngay cho con những kỹ năng quan trọng này - Ảnh 1.

Chị N.A cho rằng, "trường tư thục chất lượng thì dạy rất tốt, không ai phủ nhận được, nhưng con mình có học tốt hay không là do khả năng tiếp thu, sự chuyên cần của con và sự đồng hành của bố mẹ nữa. Vậy nên, dù con học trường công hay tư thì vai trò định hướng của bố mẹ cũng vô cùng quan trọng". 

1. Tiếng Anh

Việc dạy và học tiếng Anh là một trong những khía cạnh mà trường tư thục có ưu thế vượt trội so với trường công lập, đặc biệt là các trường quốc tế/song ngữ. Những lợi thế lớn của việc dạy và học tiếng Anh ở trường tư thục, đó là: Bắt đầu sớm (học tiếng Anh từ mẫu giáo); có lộ trình và định hướng rõ ràng (thể hiện rõ trong giáo trình học, các mốc chứng chỉ đạt được); đội ngũ giáo viên ổn định. Do đó, chỉ cần các con chỉn chu học tập ngay từ đầu thì kết quả đầu ra là rất bền vững, chắc chắn.

Vì thế, nếu phụ huynh muốn con em mình cũng giỏi tiếng Anh như các bạn học tư thục, thì cũng nên vạch rõ lộ trình học tiếng Anh: Học để làm gì; học giáo trình gì; các mốc chứng chỉ cần đạt được cho từng độ tuổi. Một khi đã vạch lộ trình, phải bền chí theo đến cùng, đừng chán nản bỏ ngang.

Cái khó nhất của các bạn ngoài tư thục, là làm sao có được ý chí và sự kiên trì theo đuổi mục tiêu học tiếng Anh trong một thời gian rất dài. Vì nó sẽ là mục học thêm bên ngoài, thích thì học, không thích thì thôi; có thể bỏ ngang bất cứ khi nào hoặc khi gia đình không muốn đài thọ chi phí cho con học thêm nữa. Với các bạn học tư thục thì mọi chuyện dễ dàng hơn nhiều vì tiếng Anh khi đó là môn học bắt buộc, kỳ thi bắt buộc, nên động lực học tập cũng khác.

Thực ra, tiếng Anh hoàn toàn có thể tự học, nếu cho con tiếp xúc sớm với tiếng Anh (từ 0-2 tuổi) sau đó duy trì nhịp độ tiếp cận phù hợp thì con tự có khả năng nói thành thục 2 thứ tiếng Anh – Việt trước khi vào lớp 1. Nếu phụ huynh tham gia một số diễn đàn về học hành, phụ huynh sẽ thấy có khá nhiều chia sẻ chi tiết về việc làm sao để con tự học được tiếng Anh.

2. Toán tư duy/ Toán quốc tế và các kỳ thi quốc tế

Các bạn nhỏ học tư thục có một lợi thế khác nữa, gắn liền với việc học giỏi tiếng Anh, đó là được tiếp cận với Toán tư duy và các kỳ thi Toán, tiếng Anh, Khoa học quốc tế. Dù không tham gia dự thi hoặc không đoạt giải, nhưng các dạng bài học, bài thi quốc tế như vậy cũng giúp mở mang tầm nhìn và kiến thức cho các bạn nhỏ.

Kinh nghiệm từ một bà mẹ ở Hà Nội: Con học trường "làng" vẫn năng động giỏi giang như học trường tư "xịn" nếu bố mẹ cập nhật ngay cho con những kỹ năng quan trọng này - Ảnh 2.

Các bạn nhỏ học tư thục thường được tiếp cận với Toán tư duy và các kỳ thi Toán, tiếng Anh, Khoa học quốc tế. (Ảnh minh họa)

Bố mẹ có thể tìm kiếm và đặt mua hoặc tải về các tài liệu dạng này để các con tham khảo.

Ngoài Toán, tiếng Anh, các bạn nhỏ học hệ quốc tế hoặc song ngữ còn được học các môn Khoa học bằng tiếng Anh. Thực sự việc học các môn này bằng tiếng Anh theo sách giáo khoa chuẩn quốc tế lại càng nới rộng khoảng cách giữa các bé tiểu học tư thục và công lập.

3. Tin học

Các bạn nhỏ học trường tư thục sẽ bắt đầu học Tin học một cách bài bản từ năm lớp 2. Mỗi trường sẽ thiết kế lộ trình và giáo trình Tin học riêng. Thông thường đến giữa năm lớp 3 là các con đã thành thạo gần hết các phần mềm tin học văn phòng thông dụng như Word, Excel, Power Point, Outlook, Teams; sử dụng desktop, laptop, gửi email, đánh máy tiếng Việt bằng 10 ngón tay; truy cập và tìm kiếm trên internet; lưu trữ và quản lý dữ liệu trên máy tính v.v… Không chỉ là học suông, các con phải thực hành và nộp bài tập Tin học cho cô giáo.

Bố mẹ hoàn toàn có thể tự dạy cho con học Tin học tại nhà với các kiến thức như trên, phải không ạ? Đừng bao giờ nghĩ là quá sớm để dạy một thứ gì đó cho con mình, vì trong khi ta nghĩ như vậy thì ngoài kia đã có rất nhiều bạn nhỏ đang được học rồi!

4. Thực hành khoa học

Thực hành khoa học cũng lại là một lợi thế lớn của trường tư thục. Các thí nghiệm khoa học dù khá giản đơn, nhưng lại khiến trẻ em rất thích thú và vui vẻ khi thực hiện. Bố mẹ có thể dễ dàng tìm thấy những clip tương tự trên Youtube và nhiều kênh khác nữa, ví dụ như "Sự hòa tan của đường và muối", "Núi lửa phun trào", "Hạt gạo nhảy múa" "Thổi bóng bay bằng chai và bột soda, dấm"… 

Kinh nghiệm từ một bà mẹ ở Hà Nội: Con học trường "làng" vẫn năng động giỏi giang như học trường tư "xịn" nếu bố mẹ cập nhật ngay cho con những kỹ năng quan trọng này - Ảnh 3.

Các thí nghiệm khoa học dù khá giản đơn, nhưng lại khiến trẻ em rất thích thú và vui vẻ khi thực hiện. (Ảnh minh họa)

Nguyên vật liệu cũng hết sức đơn giản: chai nhựa, dấm ăn, bóng bay, bột soda, muối, đường, nước… 5 phút thực hiện và vài chục nghìn tiền nguyên vật liệu là đủ để trẻ em tiếp cận được với việc thực hành khoa học, đang được giảng dạy ở các trường tư thục đắt đỏ.

Vấn đề là, cha mẹ có chịu khó bỏ công ra để dạy dỗ con mình hay không mà thôi.

5. Thuyết trình và phản biện (Speech and Debate) 2 môn "thời thượng" rất là hot

Phụ huynh hiện nay rất khao khát con em có được 2 kỹ năng này, kể cả phụ huynh các trường tư thục. Ăn theo nhu cầu đó là rất nhiều lớp học thêm, dạy kỹ năng thuyết trình.

Các bạn nhỏ ở trường tư thục thường được tạo điều kiện để xây dựng nền tảng và kỹ thuật thuyết trình và phản biện từ tiểu học. Muốn cho trẻ có được sự tự tin, khả năng diễn đạt, kiến thức và tư duy để thuyết trình và phản biện, chị N.A cho rằng phải có một lộ trình dài tập, tính bằng năm, và phải đạt được độ chín nhất định. 

Kinh nghiệm từ một bà mẹ ở Hà Nội: Con học trường "làng" vẫn năng động giỏi giang như học trường tư "xịn" nếu bố mẹ cập nhật ngay cho con những kỹ năng quan trọng này - Ảnh 4.

Một lớp học kiểu "mì ăn liền" chẳng rèn được điều gì lâu bền cho trẻ. Bạn có thể hình dung là, phụ huynh hoàn toàn có thể giúp trẻ vẽ ra một bản mindmap cầu kỳ, hoa lá; sau đó tập cho trẻ ghi nhớ các kiến thức, rồi dạy trẻ cách nói, diễn tả nội dung của bản mindmap đó và quay clip. "Sản phẩm" sẽ khá long lanh, đáng yêu, thậm chí rất tự nhiên nếu như cha mẹ khéo hướng dẫn. Nhưng sau đó thì sao, trẻ vẫn lơ ngơ, "mù tịt" khi chuyển sang đề tài khác, nội dung khác.

Kinh nghiệm từ một bà mẹ ở Hà Nội: Con học trường "làng" vẫn năng động giỏi giang như học trường tư "xịn" nếu bố mẹ cập nhật ngay cho con những kỹ năng quan trọng này - Ảnh 5.

Khi đã học tốt rồi, hãy để con tự tìm hiểu các phương pháp để thực hiện thuyết trình sao cho hay, duyên dáng, hấp dẫn. (Ảnh minh họa)

Hãy chú ý giúp con rèn các kỹ năng nhỏ như: Đọc to, rõ ràng, diễn cảm; đọc trôi chảy, không ngọng; diễn đạt tốt các thể loại văn xuôi, truyện kể, thơ và truyện thơ; tập suy nghĩ nhanh và trả lời nhanh các câu hỏi sau mỗi bài tập đọc. Tất cả đều có trong sách giáo khoa Tập đọc từ lớp 1 đến lớp 5 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Khi đã học tốt rồi, hãy để con tự tìm hiểu các phương pháp để thực hiện thuyết trình sao cho hay, duyên dáng, hấp dẫn; cách phản biện và tư duy phản biện sao cho đúng đắn, khoa học. Những nội dung này có thể dễ dàng tìm thấy trên internet, thế là bạn không phải lo tốn tiền cho các khóa học của con nữa.

6. Thể thao

Trường tư thục có cơ sở vật chất tốt và đội ngũ giáo viên đạt chuẩn để dạy các môn thể thao đa dạng cho trẻ em. Từ bóng đá, bóng rổ, bơi lội, cầu lông, cầu đá, aerobic, dancesport hay gì gì.

Nhưng rèn luyện thể thao không khó, cũng không đòi hỏi nhiều trang thiết bị. Phụ huynh hoàn toàn có thể cho con tự học nhiều thứ: nhảy dây, đá cầu, đánh cầu lông, zumba, yoga, tập xà đơn, đạp xe, bơi lội, chạy bộ… 

Nhất thiết phải tập thể thao, nó chỉ cần ý chí, không cần tiền. Phụ huynh đừng đổ tại con học trường công nên thiếu đi các hoạt động thể thao cho trẻ em. Hãy tự hỏi, bạn đã dạy con bạn đạp xe, đánh cầu, chạy bộ ở công viên, nhảy dây và đánh cầu lông chưa? Đã yêu cầu con tập thể dục 10 phút mỗi ngày chưa, chỉ đơn giản là 8 động tác thể dục tay không mà trường nào cũng dạy.

7. Văn hóa, văn nghệ, mỹ thuật

Trường tư thục thường có khá nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ phù hợp cho trẻ em. Thi đọc sách, thi kể chuyện, vẽ tranh, làm thơ, viết báo… Chưa kể là các hoạt động làm mindmap (sơ đồ tư duy), trang trí lớp, làm thiệp tặng thầy cô, cha mẹ… Có thư viện và giờ đọc sách riêng cho trẻ em. Có các lớp tập kịch nói, múa hát, các CLB năng khiếu…

Kinh nghiệm từ một bà mẹ ở Hà Nội: Con học trường "làng" vẫn năng động giỏi giang như học trường tư "xịn" nếu bố mẹ cập nhật ngay cho con những kỹ năng quan trọng này - Ảnh 6.

Phụ huynh có thể mua sách cho con đọc; hoặc cho con đọc sách online, có những website chia sẻ nhiều đầu sách giá trị cho trẻ em mà không tốn khoản phí nào. (Ảnh minh họa)

Để bổ túc khoản này, phụ huynh có thể mua sách cho con đọc; hoặc cho con đọc sách online, có những website chia sẻ nhiều đầu sách giá trị cho trẻ em mà không tốn khoản phí nào. Phụ huynh thường lo ngại việc kết nối internet làm hỏng con em mình. Nhưng phụ huynh chắc chưa biết rằng, internet đã giúp cho rất nhiều bạn nhỏ tuổi tiểu học trở nên giỏi giang và hiện đại mà không tốn khoản chi phí nào của cha mẹ, trừ mỗi tiền điện và tiền cáp quang. 

8. Hoạt động xã hội

Các bạn nhỏ trường tư thục được thiết kế nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa như: bảo vệ môi trường, làm từ thiện, thu gom rác thải tái chế, giúp đỡ đồng bào các vùng bị thiên tai v.v…

Chỉ cần 1 chút để ý là phụ huynh hoàn toàn có thể giúp con mình có tư tưởng và hành động hiện đại như bất cứ bạn nhỏ nào đang học tập ở các trường tư thục tốt nhất. Sách giáo khoa cũng được thiết kế khá tốt về mảng này. Việc các con "hiểu" và thực hành các hoạt động xã hội rất cần được bố mẹ ủng hộ và khuyến khích. 

Đừng đòi hỏi nhà trường phải rèn kỹ năng này cho các con, vì nó xuất phát từ nền tảng gia đình chứ không phải từ nhà trường. Bố mẹ mà không có hành động thiết thực để bảo vệ môi trường, không làm từ thiện; không thu gom rác thải tái chế; không phân loại rác thải, không có hành động giúp đỡ đồng bào, thì con cái làm sao có thể thực hành các hoạt động xã hội?

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM