Châu Phi báo động giữa mùa Covid-19: 5 triệu dân chỉ có 3 máy thở, 11 triệu dân chỉ có 15 giường ICU

An An | 09-04-2020 - 11:20 AM

(Tổ Quốc) - Với sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19, điểm yếu của hệ thống y tế châu Phi đã bị bộc lộ, như thiếu hụt nghiêm trọng các thiết bị y tế cần thiết để chống dịch.

5 triệu dân 3 máy thở

Với sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19 ở châu Phi, những điểm yếu của hệ thống y tế của nhiều quốc gia châu lục này đã bị bộc lộ, như thiếu hụt nghiêm trọng các thiết bị y tế cần thiết để chống dịch.

Tờ Financial Times (FT - Anh) ngày 6/4 đưa tin, Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti gần đây cảnh báo rằng, số lượng máy thở ở nhiều nước châu Phi đang thiếu hụt trầm trọng. "Hơn nữa, điều này đang xảy ra trong bối cảnh thiếu hụt toàn cầu và nhiều quốc gia phong tỏa do đó sẽ khiến việc vận chuyển máy thở trở thành một thách thức", ông nói.

Theo báo cáo, Cộng hòa Trung Phi có dân số 5 triệu người và chỉ có 3 máy thở; Burkina Faso có dân số 19 triệu người và chỉ có 11 máy thở; Sierra Leone được coi là "tốt", với dân số 7,5 triệu người và 18 máy thở ...

Báo Anh nhận định, các quốc gia châu Phi muốn làm dịu vấn đề này trong ngắn hạn là không dễ dàng, chỉ có thể tạm thời "dùng chung". Thứ nhất, các nước phương Tây cũng đang phải tự lo cho mình, cũng đang cạnh tranh sản xuất hoặc mua máy thở, dẫn đến không có nhà cung cấp quốc tế. Thứ hai, toàn bộ lục địa châu Phi dường như không có nhà máy có khả năng sản xuất máy thở, nếu có thì rất ít. Ví dụ, Innoson, nhà sản xuất ô tô địa phương duy nhất ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, đã nộp đơn xin vay 4 tỷ Naira từ chính phủ để sản xuất máy thở.

Ngoài máy thở, loạt thiết bị y tế khác cũng rơi vào tình trạng cung không đủ cầu. Ông John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật châu Phi (Africa CDC), tiết lộ rằng một số quốc gia bao gồm Burkina Faso (318 ca nhiễm), Cameroon (555 ca nhiễm) và Côte d'Ivoire (245 ca nhiễm) đã yêu cầu hỗ trợ lều bạt vì giường bệnh không đủ.

17 quốc gia bao gồm Angola, Côte d'Ivoire, Mozambique và Nam Sudan thông báo với WHO rằng, họ không có phòng ICU đảm bảo để điều trị bệnh nhân nguy kịch. Mặc dù cơ quan y tế của hầu hết các nước châu Phi chưa công bố dữ liệu chính thức, nhưng theo thống kê của Ủy ban cứu hộ quốc tế (IRC), nhiều quốc gia thực sự không đủ giường bệnh ICU như:

Somalia với dân số 15 triệu người chỉ có 15 giường; Malawi với dân số 17 triệu người, chỉ có 25 giường; Uganda với dân số 43 triệu người, chỉ có 55 giường.

Người đứng đầu IRC David Miliband nói rằng, một số tổ chức cứu trợ nhân đạo đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ cho các quốc gia châu Phi này, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Tuy nhiên, châu Phi cũng có những tin tốt. Ông Nkengasong khẳng định, Nam Phi đã triển khai thành công 67 phòng xét nghiệm axit nucleic di động và nhận được hàng triệu USD tiền quyên góp từ nhiều tổ chức cá nhân. Nigeria cũng đã thiết lập một phòng xét nghiệm di động, có thể làm xét nghiệm cho 200 người mỗi ngày.

Hiện tại, Covid-19 vẫn còn ở giai đoạn đầu ở Châu Phi. Theo dữ liệu từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật châu Phi vào ngày 7/4, tính đến cùng ngày, tổng số ca bệnh ở châu Phi đã vượt quá 10.000. Trung tâm này dự đoán đến cuối tháng 4, nhiều quốc gia có thể có hơn 10.000 ca.

Nguy cơ trở thành châu Âu thứ hai?

Hiện tại, năm quốc gia có số ca nhiễm lớn nhất châu Phi gồm Nam Phi (1.749 ca), Algeria (1.572), Ai Cập (1.560), Morocco (1.242) và Cameroon (685); tổng số ca nhiễm đạt 6.808 ca, chiếm hơn 60% số ca nhiễm trên toàn châu Phi.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có thể báo cáo tình hình dịch bệnh vào một thời điểm cố định mỗi ngày, chẳng hạn như các ca nhiễm mới và tử vong. Tuy nhiên, Châu Phi thì khác và rất khó để thống nhất. Thời gian báo cáo của các quốc gia châu Phi khi sớm khi muộn.

Tại châu Phi, từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 14/2 đến cuối tháng 2, số ca nhiễm mới được chẩn đoán trung bình mỗi ngày là rất thấp. Mức tăng bắt đầu tăng mạnh từ ngày 14/3. Vào ngày 28/3, số ca nhiễm mới trong một ngày đạt tới 680 ca.

Châu Phi báo động giữa mùa Covid-19: 5 triệu dân chỉ có 3 máy thở, 11 triệu dân chỉ có 15 giường ICU - Ảnh 1.

Biểu đồ số ca nhiễm mới ở châu Phi trong tháng 3

Để so sánh mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh trên tất cả các châu lục, thì số lượng ca nhiễm mới là chỉ số chính. Tình hình dịch bệnh hiện nay ở châu Âu và Bắc Mỹ là tương đối nghiêm trọng. Nhưng cũng có câu hỏi được đưa ra, liệu châu Phi sẽ trở thành châu Âu tiếp theo?

Biểu đồ so sánh dịch bệnh ở Châu Phi và Châu Âu sau 50 ngày kể từ ca nhiễm đầu tiên cho thấy, sau 1 tháng, số ca nhiễm ở châu Âu tăng lên nhanh chóng. Châu Phi cũng thay đổi cùng thời điểm, nhưng mức tăng tương đối nhỏ so với châu Âu.

Châu Phi báo động giữa mùa Covid-19: 5 triệu dân chỉ có 3 máy thở, 11 triệu dân chỉ có 15 giường ICU - Ảnh 2.

Đến cuối tháng 3, các nước châu Phi đã thực hiện một số biện pháp nhằm hạn chế để kiểm soát sự lây lan của virus. 32 quốc gia đã đóng cửa biên giới đất liền, trên không và trên biển, 9 quốc gia đã đóng cửa sân bay và 5 quốc gia đã áp đặt các hạn chế đi lại.

Đóng cửa biên giới có hiệu quả để kiểm soát sự lây lan của các ca nhiễm "nhập khẩu". Các ca nhiễm được phát hiện sớm nhất ở các nước châu Phi đều là những ca "nhập khẩu". Nếu Covid-19 lây lan trong cộng đồng, chẳng hạn như Mỹ, Ý, Tây Ban Nha và các quốc gia khác, việc kiểm soát các ca nhiễm nhập khẩu tại châu Phi sẽ không còn hiệu quả.

Hiện tại, Nam Phi, nơi có tình hình dịch bệnh tồi tệ nhất, cũng đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả việc quản lý nguồn lây nhiễm và cắt đứt đường lây nhiễm. Các biện pháp này sẽ mất một thời gian mới cho hiệu quả.

Theo đánh giá, năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 ở các nước châu Phi tương đối yếu, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của dịch. Vào tháng 1, không quốc gia châu Phi nào có thể tiến hành chẩn đoán SARS-CoV-2. Đầu tháng 2, chỉ hai quốc gia ở châu Phi có khả năng chẩn đoán SARS-CoV-2, với Viện Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm quốc gia ở Nam Phi và Viện Pasteur ở Sénégal. Hiện tại, đã có 43 quốc gia ở Châu Phi có thể tiến hành xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật châu Phi đã tăng cường và tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên trong việc tiến hành xét nghiệm virus, bao gồm cung cấp thuốc thử. Hiện tại, 48 quốc gia châu Phi đã được hỗ trợ thuốc thử.

Nhưng khi số ca nhiễm gia tăng, các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh cũng cần phải được theo dõi, và bộ kit xét nghiệm vẫn cần được bổ sung. Ngoài bộ kit, những dụng cụ xét nghiệm khác như bông gạc và ống nghiệm cũng đang rất thiếu. Hiện tại, một số quốc gia châu Phi đã có một số lượng thuốc thử nhất định nhưng do thiếu các sản phẩm phụ trợ này, công việc xét nghiệm đã bị ảnh hưởng và tiến độ chậm.

Hiện tại, công tác kiểm soát dịch bệnh ở châu Phi vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Ví dụ, ngày càng có nhiều quốc gia châu Phi xuất hiện những ca nhiễm cộng đồng.

Ngoài ra, số lượng ca nhiễm và các quốc gia bị ảnh hưởng vẫn đang gia tăng. Nhiều quốc gia châu Phi chưa sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh bởi vật tư y tế khan hiếm trầm trọng, bao gồm khẩu trang, đồ bảo hộ PPE và máy thở.

Điều quan trọng hơn là các vấn đề vốn có ở Châu Phi - cơ sở hạ tầng y tế cơ bản yếu kém. Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn tiến xấu, các cơ sở y tế và dịch vụ y tế yếu kém sẽ trở thành vấn đề lớn nhất ở châu Phi.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM