“Chào con, ba đi hiến máu đây”

Thi Nga | 01-10-2021 - 09:54 AM

(Tổ Quốc) - 4g sáng 20/9, vợ con còn say ngủ, anh Nguyễn Thành Tín đã trở dậy. Sau nhiều ngày ở yên trong nhà để phòng dịch, anh Tín chuẩn bị ra đường. Nhưng không phải vì mục đích mua hàng thiết yếu.

Giờ này, bản tin từ CDC Sài Gòn vẫn chưa cập nhật số ca nhiễm mới. Mới hôm qua, (19/9) sau 1 ngày giảm mạnh thì số ca Covid-19 mới ở thành phố này lại tăng thêm 1259 ca, tổng là 5496 ca, tử vong 182 người. Riêng Thủ Đức nơi gia đình anh Tín sống đã vượt mốc 25000 ca nhiễm, suốt 1 tháng liên tục "cạnh tranh" vị trí nhất nhì bảng với quận Bình Tân.

Tòa chung cư anh ở có nhiều F0, riêng tầng nhà anh thì chưa. Anh Tín vẫn theo dõi sát các con số mỗi ngày trên mặt báo, rồi dặn dò động viên hàng xóm cùng tầng hạn chế tối đa ra ngoài, tuân thủ quy tắc chống dịch của thành phố và Chính phủ, quyết tâm bảo vệ vùng xanh bé nhỏ này. Nhưng hôm nay thì anh phải ra.

Một tuần trước, anh Tín nhận được email từ tập đoàn kêu gọi cán bộ nhân viên tham gia Tuần lễ giọt Vàng. Đã hơn 60 ngày Sài Gòn giãn cách theo chỉ thị 16, cái gì cũng khó, cái gì cũng thiếu. Song, mớ rau con cá viên thuốc dù khó dù thiếu vẫn kiếm được bằng cách này hay cách khác. Còn máu thì không. Dự trữ máu toàn thành phố xuống thấp nhất trong 18 tháng, chỉ còn 3000 - 3500 túi, đáp ứng chỉ 1/10 nhu cầu máu của 150 bệnh viện trong và ngoài thành phố, trong đó có cả các bệnh viện đang điều trị Covid-19.

Anh Tín không biết về các con số ấy. Nhưng nhiều năm hiến máu tình nguyện, anh hiểu rõ máu lúc nào cũng cần. Bệnh nhân thường cần máu, bệnh nhân Covid lại càng cần máu. Nên vừa đọc mail là anh Tín đăng ký luôn, không chút do dự. Thấy chồng đăng ký đi hiến máu, vợ anh Tín cũng xin đi hiến cùng. Cả hai vợ chồng anh đều cùng nhóm máu O. Lúc ấy anh chị cũng không nghĩ phải có 1 người ở nhà để trông cậu con trai 3 tuổi.

5g30 sáng, anh Tín bảo hộ kỹ càng ra khỏi nhà, không quên hôn tạm biệt con trai đang say ngủ: "Chào con, ba đi hiến máu đây". Cậu bé tối qua khi được nghe ba kể chuyện hiến máu còn hồ hởi reo mừng và gọi ba là "anh hùng".

Quãng đường từ Phước Long B, Thủ Đức tới Trung tâm Thể dục Thể thao Bình Thuận, quận 7 hơn 20 cây số, có tổng cộng 5 chốt cả thảy và anh Tín đều đi qua dễ dàng khi cho biết mục đích ra đường. Hiến máu không được liệt kê trong danh mục nhu cầu thiết yếu phải ra đường trong thời điểm giãn cách xã hội và trong những ngày số ca Covid của Sài Gòn vẫn chưa thể xuống đầu 4. Nhưng máu thì lúc nào cũng là nhu cầu thiết yếu của người bệnh. Những ngày này còn trở thành nhu cầu bức bối. Người Sài Gòn có lẽ không ai không hiểu.

6g30 sáng, anh Tín đã có mặt ở điểm hiến máu Tuần lễ giọt Vàng. Bước vào khu vực chờ test nhanh Covid, lòng anh hồi hộp. Lần thứ 9 hiến máu, anh không nghĩ mình lại có thể xúc động. Chưa bao giờ anh nghĩ về người sẽ nhận bịch máu từ mình với nhiều cảm xúc như thế này.

Cũng có mặt ở Trung tâm Thể dục Thể thao Bình Thuận từ sáng sớm là chị Văn Thị Hạnh. Người phụ nữ từng có 17 lần hiến máu và là tình nguyện viên tuyên truyền hiến máu từ thời sinh viên này hồ hởi với sự kiện đặc biệt của công ty.

Tháng trước, chị Hạnh đã đăng ký hiến máu ở Viện Huyết học nhưng không thành công. Nên ngay khi công ty phát động Tuần lễ giọt Vàng thì chị đăng ký ngay. Với kinh nghiệm của một tình nguyện viên chuyên nghiệp, chị Hạnh còn thuyết phục, vận động được rất nhiều anh chị em đồng nghiệp đi hiến máu cùng mình.

“Chào con, ba đi hiến máu đây” - Ảnh 1.

Lần gần nhất hiến máu của chị Hạnh là giữa tháng 5, khoảng 1 tháng rưỡi trước ngày Sài Gòn bùng dịch. Quận Bình Tân nơi chị sống luôn giữ con số cao nhất nhì thành phố về số ca nhiễm mới trong ngày. Hơn 2 tháng giãn cách làm lỡ mất 1 nhịp hiến máu, chị Hạnh cảm thấy sốt ruột. Chị bảo, chỉ những ai từng tham gia công tác tình nguyện viên tuyên truyền hiến máu như chị mới hiểu được cảm giác sốt ruột ấy. Cái cảm giác dấm dứt không yên khi nghĩ đến việc chỉ cần lỡ một tích tắc, một cuộc đời có thể vĩnh viễn rời đi.

"Lý tưởng của người hiến máu như mình rất giản đơn. Một giọt cho đi, một đời ở lại. Giản đơn mà thiêng liêng lắm. Chỉ cần mình còn khỏe mạnh ngày nào mình sẽ cố gắng tranh thủ từng tích tắc để cho đi."

Có người bảo chị bất chấp dịch bệnh để đi hiến máu, không biết sợ. Chị Hạnh chỉ cười. Với chị biết sợ là cảnh giác, là chủ động chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để đối mặt với hoàn cảnh, chứ không phải lo lắng sợ hãi. "Đúng là ở nhà thì an toàn hơn. Mình có thể chờ hết dịch để đi hiến máu. Nhưng người bệnh thì không thể chờ hết dịch để được nhận máu", chị Hạnh giãi bày.

"Tuần lễ Giọt vàng" được FPT kết hợp với Trung tâm Hiến máu Nhân đạo Thành phố và Hội chữ thập đỏ quân 7 tổ chức tại TP.HCM từ 20-26/9 nhằm chung tay, góp phần hiến máu cứu người, chia sẻ những khó khăn với người bệnh và ngành Y. Chỉ trong một tuần lễ, vượt qua những khó khăn trong bối cảnh giãn cách và dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP.HCM, hơn 1.200 cán bộ nhân viên FPT và người thân đã tình nguyện trao đi 1.610 đơn vị máu.

“Chào con, ba đi hiến máu đây” - Ảnh 2.

Để đảm bảo an toàn phòng dịch, tất cả y bác sĩ, Ban tổ chức và người tham gia hiến máu đều tuân thủ quy định phòng Covid-19, thực hiện khám sàng lọc kỹ lưỡng. CBNV và người thân cần có chứng nhận đã tiêm vaccine ít nhất 7 ngày để đủ điều kiện tham gia hiến máu

Trước đó, đầu tháng 9 tại Hà Nội, FPT đã tổ chức chương trình hiến máu "Giọt máu nghĩa tình". Tính đến nay, sau hai đợt, cán bộ nhân viên FPT và người thân đã cùng trao đi hơn 2.400 đơn vị máu.

"Một giọt cho đi, một đời ở lại", thông điệp bình dị này tiếp tục được FPT chung tay lan tỏa. Hơn lúc nào hết, đây chính là thời điểm để trao đi cơ hội sống tới tất cả mọi người.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM